Personal tools

    Search

    


...

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech


1. Lịch sử quan hệ:

Việt Nam và Liên bang Tiệp Khắc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau từ 2-2-1950.

Sau khi tách thành hai quốc gia độc lập (1-1-1993), Cộng hòa Czech và Cộng hòa Slovakia kế thừa các quan hệ của Liên bang Tiệp Khắc cũ với Việt Nam. Từ đó quan hệ giữa Việt Nam và Czech đã có những bước phát triển tích cực.

2. Các hoạt động trao đổi đoàn:

Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao như các chuyến thăm Czech của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1997), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1995), Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (1994), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (1998).

Về phía Czech, Chủ tịch Quốc hội M. Uhde và Bộ trưởng Ngoại giao J. Zieleniec (tháng 4-1994), Thủ tướng M. Zeman (tháng 12-1999), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao C. Svoboda (tháng 3-2003), Chủ tịch Hạ viện L. Zaoralek (tháng 2-2006), Tổng thống Vaclav Klaus (tháng 9-2006) đã thăm Việt Nam.

3. Về hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Séc:

Về kinh tế - thương mại:

Hai bên đã ký Nghị định thư về kế thừa các Điều ước ký trước đây giữa Việt Nam và Tiệp Khắc và một số Hiệp định tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định vận tải hàng không. Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại được thành lập năm 1998. Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế (13-9-2005) sau khi đã thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của Hiệp định thương mại song phương từ tháng 5-2004 khi Czech gia nhập EU.

Kim ngạch mậu dịch tăng nhanh (năm 1997 đạt 41,6 triệu USD; 1998: 48,7 triệu USD; 2001: 65 triệu USD; 2002: hơn 67 triệu USD; 2003: 70 triệu USD; 2004: khoảng 75 triệu USD; 2005: trên 100 triệu USD).

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng nông sản, thực phẩm, sản phẩm may mặc và nhập khẩu máy móc thiết bị, thủy tinh, thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, kim ngạch vẫn còn thấp so với tiềm năng và phía Việt Nam luôn xuất siêu, hiện nay phía Czech muốn tăng cường xuất để cân đối đề nghị Việt Nam giảm thuế đánh vào các mặt hàng bia và pha lê.     

Về hợp tác đầu tư:  

Cho đến nay Czech đầu tư vào Việt Nam hơn 35 triệu USD cho các dự án về sản xuất thủy tinh, pha lê, bia, thiết bị điện, cao lanh, vật liệu xây dựng. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có triển vọng là năng lượng, giao thông (đầu máy xe lửa, toa xe, xe bus, xe điện phục vụ giao thông thành phố), cơ khí (máy móc thiết bị, động cơ, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu)... 

Czech thường xuyên tham gia các Hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam và cấp viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam khoảng 18 triệu USD: năm 1994 cấp 14 triệu USD hỗ trợ đào tạo và việc làm cho lao động Việt Nam ở Czech về nước; năm 1995 cấp 1,7 triệu USD để xây dựng Trung tâm Chỉnh hình cho trẻ em tàn tật ở Bắc Thái (đi vào hoạt động từ tháng 5-1999); tiếp tục trợ giúp hiện đại hóa Bệnh viện Việt - Tiệp tại Hải Phòng (800 ngàn USD), Trung tâm Đào tạo kỹ thuật giày da tại Hải Phòng (700 ngàn USD). Năm 2003, Chính phủ Czech cấp cho Việt Nam viện trợ phát triển không hoàn lại trị giá 700.000 USD để thực hiện dự án chế biến phân vi sinh tại Hải Dương. Năm 2006, Chính phủ Czech cam kết cấp 1,2 triệu USD vốn ODA, tập trung vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường, nông nghiệp, lao động, hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng công nghiệp. Năm 2006, thông qua EU, Czech đã cam kết cấp 200.000 USD cho Việt Nam để hỗ trợ công tác chống dịch cúm gia cầm.

Chính phủ Czech đã nhiều lần viện trợ nhân đạo giúp cho các địa phương ở Việt Nam bị thiên tai (1997-2000). Tháng 8-2002, Czech bị trận lụt "thế kỷ" gây thiệt hại lớn cho thủ đô Praha và nhiều vùng khác, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Czech. Cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam Czech đã tổ chức quyên góp, trợ giúp cho nhân dân Czech.

Về giáo dục, đào tạo:

Chính phủ Czech tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của Việt Nam (từ năm 1999 mỗi năm cấp 4 - 5 học bổng). Hiện nay, hai bên đang nghiên cứu, đàm phán để ký Hiệp định hợp tác giáo dục - đào tạo.

Về cộng đồng Việt Nam ở Séc:

Hiện tại Việt Nam có trên 40 ngàn công dân sinh sống tại Czech và được đối xử bình đẳng. Phía Czech đánh giá tốt cộng đồng Việt Nam tại đây.

(N.H., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 3-10-2006)

 


Related news:
Created by thanhdm
Last modified 03-10-2006