Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Hồ sơ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam

Ngay sau khi Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), WTO đã có thông cáo báo chí về việc Việt Nam gia nhập WTO và tóm lược nội dung bộ hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam.

Hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam gồm 3 tài liệu, với nội dung tóm tắt như sau:

1. Biểu Cam kết về Hàng hóa (560 trang):

  • Đối với đa số các mặt hàng nông nghiệp và phi nông nghiệp, Việt Nam cam kết mức thuế trần dao động từ 0 đến 35%. Một số mặt hàng được cắt giảm dần mức thuế theo nhiều giai đoạn cho đến năm 2014, ngày kết thúc chính xác thay đổi tùy mặt hàng.
  • Các mặt hàng có mức thuế trần cao hơn là các sản phẩm rượu, thuốc lá, cà phê pha sẵn và một số sản phẩm liên quan, phụ tùng xe và xe hơi nguyên chiếc mới hoặc đã qua sử dụng và tấm lợp mái.
  • Một số mặt hàng được bảo hộ có hạn ngạch (thuế cao hơn cho lượng hàng ngoài hạn ngạch và thấp hơn trong hạn ngạch cho phép) là trứng, thuốc lá, đường và muối. Hạn ngạch phải được nới rộng dần cho đến khi được hủy bỏ theo thời gian đã thỏa thuận.
  • Việt Nam cũng ký kết Hiệp định “đa phương riêng” về Công nghệ Thông tin (chỉ có một số thành viên WTO ký kết thỏa thuận này). Đối với các sản phẩm công nghệ thông tin, Việt Nam cho phép nhập khẩu miễn phí. Trong một số trường hợp, thuế suất bằng 0 được áp dụng ngay lập tức, một số khác sẽ được thực hiện dần dần trong thời gian từ 2010 – 2014.
  • Trong nông nghiệp, Việt Nam không trợ giá xuất khẩu, nhưng được phép thực hiện các hỗ trợ về thương mại trong nước cho nông dân (hỗ trợ trực tiếp trên giá hoặc số lượng sản phẩm) tới mức tối đa là 3.96 nghìn tỉ (khoảng 246 triệu đô la Mỹ) ngoài mức trợ cấp thông thường dành cho các nước đang phát triển, hoặc tối đa là 10% giá trị sản phẩm nông nghiệp trong nước.

2. Biểu Cam kết về Thương mại Dịch vụ (60 trang):

  • Việt Nam đã đưa ra cam kết trong một loạt các dịch vụ. Trong một số trường hợp, Việt nam có quyền hạn chế sở hữu nước ngoài trong các công ty dịch vụ hoạt động ở Việt Nam – như đối với viễn thông, mức giới hạn là 49 – 65%. Trong một số ít trường hợp, sở hữu nước ngoài cho phép có thể đạt mức 100% ngay lập tức (như với dịch vụ kế toán). Đa số trường hợp, sở hữu nước ngoài sẽ đạt đến 100% trong vòng vài năm (như dịch vụ phát chuyển nhanh là 5 năm).

3. Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO (260 trang):

Báo cáo phác thảo bối cảnh kinh tế, khung pháp lý và hành chính của Việt Nam. Trong đó có các cam kết cải cách hoặc giữ gìn các cải cách đã được tiến hành nhằm bảo đảm tư cách thành viên. Danh sách các cam kết như sau:

  • Ngoại hối: Việt Nam sẽ tuân theo quy định của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
  • Doanh nghiệp nhà nước: Kinh doanh thương mại (trừ các lĩnh vực phục vụ cho Chính phủ) sẽ tiến hành theo các điều khoản thương mại không có sự can thiệp từ Chính phủ. Một số sản phẩm là đối tượng kinh doanh riêng của doanh nghiệp nhà nước do bị giới hạn tiêu thụ vì lý do văn hóa và đạo đức hoặc mặc nhiên độc quyền như sản phẩm thuốc lá, dầu khí, sản phẩm văn hóa như báo chí và tài liệu nghe nhìn, máy bay.
  • Tư hữu hóa và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: phải được thực hiện công khai, minh bạch thông qua các báo cáo hàng năm của Việt Nam cho tới khi kết thúc quá trình này.
  • Định giá và kiểm soát giá: Việt Nam tuân thủ các Hiệp định của WTO và thông báo cho WTO mọi hành động nhằm kiểm soát giá cả.
  • Khung hoạch định và thực hiện chính sách: một số khuôn khổ pháp lý và hành chính đã được đưa ra và đẩy mạnh để có thể áp dụng các điều khoản của WTO, bao gồm khả năng điều tra và kiểm soát tư pháp để giải quyết các kiện tụng có liên quan.
  • Quyền xuất nhập khẩu: Đây là vấn đề gây căng thẳng trong đàm phán một phần vì các thủ tục đăng ký khác nhau giữa doanh nhân trong nước và ngoài nước. Hiện tại, luật mới đã được ban hành nhằm cân đối quy trình cho cả hai đối tượng.
  • Thuế suất cho hàng tiêu dùng nội địa: Các mức thuế khác nhau áp cho thức uống có cồn là vấn đề được quan tâm trong các cuộc đàm phán. Việt Nam đã đồng ý đơn giản hóa khung thuế suất trong vòng 3 năm bằng cách áp dụng mức thuế duy nhất cho tất cả các loại bia và tất cả các loại rượu có 20% cồn hoặc nhiều hơn.
  • Hạn ngạch và các hạn chế khác: hạn ngạch, cấm, hoặc các hạn chế khác sẽ được hủy bỏ, bao gồm quy định cấm nhập thuốc lá, xì gà và xe đã qua sử dụng, hoặc chỉ được áp dụng theo đúng quy định của WTO.
  • Các Hiệp định liên quan đến luật lệ của WTO: Việt Nam sẽ tuân thủ Hiệp định về Định giá thuế quan, Quy tắc về Xuất xứ, Kiểm hóa trước khi xếp hàng, Chống Phá giá, Biện pháp tự vệ, Trợ cấp, Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại với một số điều khoản được thực hiện theo lộ trình nhất định.
  • Hạn chế xuất khẩu: Việt Nam vẫn duy trì việc kiểm soát xuất khẩu trên một số mặt hàng như gạo, một số sản phẩm gỗ và khoáng chất (nhằm ngăn chặn việc khai thác bất hợp pháp) nhưng phải phù hợp với các Hiệp định của WTO.
  • Tiêu chuẩn: Việt Nam sẽ áp dụng các Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và Kiểm dịch động, thực vật ngay lập tức.
  • Mua sắm của Chính phủ: Việt nam sẽ xem xét việc ký Hiệp định về Mua sắm của Chính phủ sau khi trở thành viên của WTO.
  • Sở hữu trí tuệ: gần 33 trang của báo cáo mô tả chi tiết cơ cấu pháp lý và hành chính của Việt Nam. Việt Nam sẽ tuân thủ ngay lập tức Hiệp định về Sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS), không có giai đoạn chuyển đổi.

-----------------------------

Nguồn: http://www.wto.org/english/news_e/pres06_e/pr455_e.htm

(A.P., Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 9-11-2006)

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 16-11-2006