Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Len Aldis với hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam


Ở xứ xở sương mù, có một nhà hoạt động xã hội từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản chiến trong chiến tranh ở Việt Nam, đó là ông Len Aldis. Lúc ấy, ông  mong ước được đến Việt Nam để tận mắt thấy những điều diễn ra ở đất nước mà ông yêu mến.

 

Năm 1989, lần đầu tiên ông đến Việt Nam, chứng kiến nỗi bất hạnh của những người bị nhiễm chất độc da cam. Khi trở về nước, ông đã cùng những người bạn Anh yêu mến Việt Nam thành lập Hội Hữu nghị Anh - Việt vào năm 1992 mà ông  là Tổng thư ký Hội. Từ đó đến nay, Hội Anh - Việt đã tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo và phát triển, giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ở các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tây, Nam Định, Hải Phòng, Hà Tĩnh, giúp nạn nhân chất độc da cam ở Làng Hòa Bình và các địa phương khác.

 

Ở Anh, ông Len Aldis thường xuyên đến nói chuyện ở các trường đại học, các hội, nhóm, tổ chức triển lãm ảnh, chiếu phim về hậu quả của chất độc da cam nhằm để mọi người biết về hậu quả của chất độc giết người này. Ông đã làm cầu nối kêu gọi các tổ chức phi chính phủ Anh, như “Tổ chức trợ giúp y tế và khoa học cho Việt Nam, Campuchia, Lào” giúp dự án, vận động gởi giáo viên tình nguyện giúp các tỉnh miền núi. Ngoài ra, ông thường xuyên tổ chức bán hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam để gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.  

 

Ông Len Aldis được đông đảo người dân Việt Nam biết đến qua sáng kiến ký tên đòi công lý petitiononline. Ông đã tập hợp hàng triệu chữ ký của những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên khắp thế giới dành cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, trong đó có nhiều nghị sĩ Quốc hội Anh. Ông nói, đây là cuộc đấu tranh vì hòa bình, công lý và là vấn đề vô cùng lớn, do đó rất cần có sự chia sẻ, tiếp sức và giúp đỡ của nhiều người trên thế giới.

 

Ông cùng Hội Hữu nghị Anh - Việt đã kêu gọi tất cả các nghị sĩ Nghị viện châu Âu vận động chính phủ Anh đề nghị Liên Hiệp Quốc lấy ngày 10/8 hàng năm là “Ngày Quốc tế các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Trong cuộc vận động này, có nhiều người bạn trên thế giới đã đồng tình và ủng hộ sang kiến cần có một ngày để toàn thế giới quan tâm tới nạn nhân da cam. Ông đã gửi thư kêu gọi Tòa Phúc thẩm Mỹ đem lại sự công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam, và chuyển toàn bộ số chữ ký và địa chỉ trực tuyến trên trang web petitiononline đến Tòa án Phúc thẩm New York, góp tiếng nói đòi công lý cho các nạn nhân Việt Nam.

 

Ông Len Aldis đã đến TPHCM nhiều lần, thăm trẻ em bị nhiễm chất độc da cam Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Trong cuộc gặp gỡ bạn bè thế giới nhân lễ kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông bày tỏ: “Chiến tranh đã kết thúc, nhưng vẫn còn một cuộc chiến khác. Tại bảo tàng, tôi đã xem những hình ảnh và gặp nhiều nạn nhân chất độc da cam còn sống. Tôi xin dành thời gian còn lại của tôi để làm điều gì đó cho những nạn nhân này”.

 

Ông dự đám cưới Đức – Tuyền, dự Tọa đàm “Bạn bè quốc tế đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, gặp gỡ thanh niên, sinh viên, phóng viên báo chí, chia sẻ kinh nghiệm về cuộc đấu tranh đòi công lý cùng các biện pháp giúp đỡ nạn nhân, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam.

 

23.6.09_LenAldisolangHBTháng 4 vừa qua, chính ông Len Aldis cùng Hội Hữu nghị Anh - Việt phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (LSE) tổ chức buổi tọa đàm về hậu quả của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tại Việt Nam. Đông đảo sinh viên Việt Nam, sinh viên Anh và các nước đã theo dõi phim tư liệu “Những nẻo đường công lý” (Path to Justice)  và những hình ảnh nói về hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà nhiều thế hệ người Việt Nam hiện đang phải gánh chịu. Ông  Len Aldis cũng giới thiệu về quá trình Việt Nam theo đuổi vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất ra chất diệt cỏ có chứa dioxin được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, trao đổi những vấn đề liên quan đến tính pháp lý, những bằng chứng và triển vọng của vụ kiện với các sinh viên và bạn bè quốc tế. Ông tâm sự: “Đây là một cuộc chiến đấu bền bỉ, chúng ta không được phép dừng lại, không được cho phép mình bỏ cuộc”.

 

Đã hơn 30 lần ông Len Aldis đến thăm Việt Nam. Hai thập kỷ qua, ông luôn làm hết sức mình để nhiều người trên thế giới hiểu về tình hình những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông cho biết, điều ông trăn trở là tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng di chứng của chất độc da cam vẫn còn hiện hữu trên hàng trăm ngàn nạn nhân. Ông đã viết thư cho Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Kofi Anna, Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, Quốc hội Mỹ, Công ty Monsanto, các công ty hóa chất của Mỹ, tòa án Mỹ, kêu gọi trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Trong bức thư gởi Tổng thống Obama ngày 8/12/2008, ông viết: “Ngài Tổng thống, công lý sẽ đòi hỏi ngay trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên là giúp những nạn nhân đau khổ này - và gia đình của họ - nhận được những đền bù mà họ hết sức xứng đáng. Với hàng ngàn người đã chết, công lý đã bị chối từ. Tôi khẩn thiết đề nghị ngài, đừng chờ đợi bất cứ phán xét của tòa án Mỹ nào nữa, các nạn nhân đã đợi chờ và chịu đựng đủ lâu rồi”.

 

Ngày 30/4/2009, Ông Len Aldis đã lập đơn kiến nghị trực tuyến gởi cho Tổng thống Barack Obama và các nghị sĩ Mỹ, phản đối phán quyết của tòa án Mỹ, đến nay đơn kiến nghị này được nhiều người Việt Nam và bạn bè quốc tế ký tên ủng hộ.

 

23.6.09_LenAldis-NTTVới những đóng góp của mình, ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hữu nghị. UBND TPHCM đã trao tặng huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh cho ông. Ông Len Aldis khẳng định sẽ tiếp tục dành thời gian để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

 

Nguyễn Thị Mỹ Tiên

(Tổng thư ký Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM)

 

 


Các tin liên quan:

Cập nhật 23-06-2009